Cách đặt tên con theo phong thủy làm tăng thêm may mắn cho đứa trẻ
Người xưa có câu “cho con ngàn vạn lượng cũng không bằng dạy con một nghề; dạy con một nghề cũng không bằng cho con một cái tên đẹp”
Theo lí luận về “tính danh học” (lí luận nghiên cứu về tên họ), tên họ không chỉ là đại diện cho kí hiệu thân phận của đứa trẻ mà nó còn có ý nghĩa ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời đứa trẻ đó. Đứa trẻ khi vừa sinh ra đã có cái tên thanh nhã, ý nghĩa tốt đẹp, nó không chỉ thể hiện bối cảnh và giai tầng văn hóa mà còn liên quan đến sự nghiệp, hôn nhân, sức khỏe, học hành và quan hệ xã hội của đứa trẻ.
Bởi vậy, cha mẹ hi vọng đặt cho con cái một cái tên tốt, để danh chính ngôn thuận, sự nghiệp thành đạt, hạnh phúc vui tươi cả cuộc đời sau này. Thiết nghĩ đây cũng là tâm nguyện của tất cả các bậc làm cha mẹ muốn dành những điều may mắn tốt đẹp nhất cho con cái.
Nhưng kì thực, để đặt một cái tên tốt cho con cái không phải là một việc dễ dàng theo quan niệm trong thuật phong thủy. Một cái tên và đệm có từ ngữ hoa lệ ghép với nhau, nghe thì có vẻ rất đẹp nhưng chưa chắc đã phải như vậy, cho nên có người tên là “Phú Quý” nhưng chưa hẳn đã giàu sang, có người tên Hào Kiệt nhưng chưa hẳn đã là anh hùng.
Thuyết phong thủy cho rằng, mỗi đứa trẻ khi được sinh ra thì “tiên thiên bát tự, tức là vận mệnh bẩm sinh. Bát tự là tám chữ Can Chi ghi năm, tháng, ngày, giờ sinh của một người, theo “tử vi” có thể tính ra số mệnh của người ấy” đã được hình thành, âm dương ngũ hành và hỉ kị (chỉ sự may mắn và cấm kị) đều không giống với những đứa trẻ khác.
Vì vậy, để đặt một cái tên tốt, trước tiên người ta thường phải làm rõ ngày giờ số mệnh, may mắn và cấm kị bẩm sinh đã có”, sau đó mới lấy dư bổ khuyết cho mệnh của đứa trẻ, khiến điều may mắn của mệnh tăng lên và khống chế cái kiêng kị của mệnh.
Tiếp theo đó lại phải căn cứ vào âm dương ngũ hành, Hán tự lý số (chủ yếu được giới định thông qua thuộc tính ngũ hành của chữ, thuộc tính ngũ hành của chữ được xác định dựa trên: hình của chữ, âm của chữ, nghĩa của chữ và ngũ âm, 12 luật), từ đó đặt cho con một cái tên có hình chữ, nội hàm và âm vận sao cho đẹp, ý nghĩa mong muốn con thông minh, tài trí, phú quý, bình an. Đặt tên cho con như vậy mới được gọi là tên tốt.
11 yếu tố để đặt tên
Thuyết “Tính danh học” của người xưa là một hệ thống học vấn hết sức phức tạp, ngày nay đa số chúng ta đặt tên cho con chỉ chú trọng đến âm đọc (do Việt Nam không sử dụng chữ Hán, hệ thống từ Hán Việt không hẳn ai cũng hiểu hết nghĩa). Nhưng theo quan niệm của người xưa thì không đơn giản như vậy, một cái tên đẹp thường phải xem xét đến 11 yếu tố dưới đây, tùy vào quan niệm của mỗi người để theo đó mà đặt.
May mắn và khiêng kỵ của ngày giờ
Thời khắc một đứa trẻ ra đời là sự thể hiện quan trọng của việc duy trì nòi giống, hành vi tính cách của một người đều có quan hệ trực tiếp đến sự phối hợp tương sinh tương khắc của âm dương ngũ hành trong “bát tự”.
Trên phạm vi rộng, chúng ta đang sinh tồn trên địa cầu luôn luôn chuyển động, thiên thể mà chúng ta đang sống không ngừng thay đổi, vị trí giữa các tinh cầu luôn thay đổi, khiến lực hấp dẫn giữa các tinh cầu và trái đất cũng theo đó mà thay đổi không ngừng.
Vì vậy, mỗi người khi sinh ra đời đều chịu sự tác động lực hấp dẫn của thiên thể không giống nhau, cũng bởi vậy sinh ra ở địa điểm khác nhau, thời điểm khác nhau khiến khí chất, tính cách cũng khác nhau, do đó vận mệnh khác nhau. 12 ngôi của địa chi: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi là phản ánh chu kì mộc tinh quay quanh trái đất hết 12 năm, mỗi địa chi tượng trưng hàng năm mộc tinh ở vào vị trí của trái đất.
Xét trên phạm vi hẹp, sinh thần bát tự của một người là thời gian thực khi sinh, từ thông tin này cho biết mối quan hệ đối ứng lẫn nhau giữa từ trường của một người và từ trường của vũ trụ, nói một cách nôm na tức là cát hung họa phúc của cuộc đời mỗi con người. Giờ sinh của mỗi người thì không thể thay đổi, nhưng quan hệ sinh khắc ngũ hành trong sinh thần bát tự có thể thay đổi theo sự thay đổi môi trường hoàn cảnh của người đó sau này (hậu thiên)
Tuy nhiên, tất cả mọi cái đều có hạn độ của nó, bất kì mối quan hệ giữa tiên thiên và hậu thiên nào cũng đều tồn tại mối quan hệ biện chứng thay đổi về lượng với thay đổi về chất. Khí chất sẽ lựa chọn môi trường trưởng thành của bạn, môi trường lại tạo ra tính cách của bạn, tính cách sẽ quyết định vận mệnh của bạn, đây là quan điểm “quyết định luận – lí luận về tính quyết định” về thời gian sinh của mỗi người.
Nhưng, con người có thể thay đổi mọi cái, tức thay đổi môi trường để thay đổi khí chất và tính cách của mình, từ đó có thể thay đổi vận mệnh. Đây được gọi là hành vi thay đổi hoàn cảnh, hành vi có thể thay đổi vận mệnh. Đặt tên và thay đổi tên họ là một kiểu hành vi như vậy.
Thông qua nguyên lí “tính danh học”, lựa chọn một cái tên phù hợp với từ trường của cá thể đó, nhằm cải thiện hiệu quả môi trường từ trường, cuối cùng có thể thay đổi được vận mệnh, nâng đỡ cái may mắn, ngăn chặn cái hung hại.
Trong thuyết “tính danh học” cũng bao hàm quan hệ tương sinh tương khắc của ngũ hành âm dương, sự biến hóa của âm dương ngũ hành này nếu có thể bổ khuyết những chỗ còn thiếu của tiên thiên bát tự thì có thể khiến vận mệnh của người đó từ xấu chuyển sang tốt, và ngược lại, giả dụ tên của một người khi đặt không thể bổ trợ cho quan hệ âm dương ngũ hành thì vận mệnh của người đó có thể đang từ tốt chuyển sang xấu, thậm chí còn đem đến tai họa nghiêm trọng.
Vì vậy người xưa mới nói: thứ nhất là mệnh, thứ nhì là vận, thứ ba là phong thủy, thứ tư là tên, thứ năm là đọc sách. Việc đặt tên xếp ở hàng thứ tư, yếu tố quan trọng này cũng không thể xem nhẹ. Bởi vậy, người xưa nói “cho con ngàn vạn không bằng cho con cái tên đẹp” là như vậy. Trong thực tế khi đặt tên, người ta thường ưu tiên sắp xếp yếu tố hợp mệnh đứng với nhau, đặc kị yếu tố khắc mệnh xuất hiện trong tên.
Ví dụ, một người là nam họ Vương, họ Vương thuộc hành Thổ hợp với hành Hỏa, khắc hành Thủy, sắp xếp vị trí ngũ hành sẽ là: “Thổ Hỏa Thổ” hoặc “Thổ Hỏa Hỏa”, tuyệt đối không được xuất hiện hành Thủy: “Thổ Kim Thủy” hoặc “Thổ Thủy Thổ”. Đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất khi đặt tên của người xưa.
Can chi của năm sinh
Can của năm sinh một người được ví như gốc rễ của một cái cây, muốn cây phát triển, quanh năm xanh tốt, ra hoa kết trái thì trước hết phải có nền đất tốt, bộ rễ khỏe bám chắc vào đất tốt, hay còn gọi là sâu rễ bền gốc. Chỉ có sâu rễ bền gốc thì mới cho cành lá xum xuê.
Vì vậy, theo quan niệm người xưa thì khi đặt tên tuyệt đối không được làm hại đến gốc, tức can của năm. Đồng thời, trên cơ sở đó phải có sự chăm sóc mới khiến cây chịu được gió bão không gãy cành lá, tích tụ được nhiều ánh nắng mặt trời phát triển khỏe mạnh.
Ví dụ, một người sinh năm 1984, là năm Giáp tý, Giáp là tính dương thuộc mộc, màu xanh, khi đặt tên thì trong đó không được có chữ liên quan đến dao, kiếm, rìu, sắt thép, vì dao kiếm sắt thép có thể chặt gỗ, không thuận lợi cho việc phát triển.
Ngoài ra, Giáp và Canh, Tân khắc nhau vì vậy trong chữ không được xuất hiện Canh, Tân. Mộc bám rễ vào đất (tức Thổ), Kỉ thuộc Thổ nên hợp với Mộc vì vậy trong chữ nên có chữ Kỉ (chú ý: trong chữ Hán, một chữ có thể do nhiều bộ nhiều nét ghép lại với nhau, vì vậy có nhiều chữ trong đó có chữ Kỉ ghép với bộ hoặc nét khác để tạo thành một chữ khác có ý nghĩa khác, ví dụ: Ba, Bao, Kì, Dị, Đạo, Khởi…)
Thuộc tính của 12 con giáp
12 con giáp, là sao Mộc năm đó ở vào vị trí của trái đất, ở đây nó mang nhiều ý nghĩa, mỗi năm ở một vị trí khác nhau, mang một nguồn năng lượng khác nhau, người xưa dùng 12 con giáp để biểu đạt “tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi”, vì nguyên lí tác động của nó là lực hấp dẫn của thiên thể với địa cầu, nó thuộc hệ kiến thức của thiên văn học nên có thể nói nó rất có căn cứ lí luận khoa học. Khi đặt tên nên chú ý xem xét tổng hợp các yếu tố số lý, ngũ hành, hình chữ.
* Đặt tên con theo tuổi Tý: Trong 12 con giáp của địa chi, Tý thuộc hành thủy, hướng Bắc xung với Ngọ. Với Sửu là lục hợp, với Thân là tam hợp, với Thìn là tam hợp. Cho nên khi đặt tên thì nên tránh các từ có chữ Mã-Ngọ, ví dụ chữ Tuấn (chữ Tuấn trong chữ Hán có bộ Mã ). Nên tránh có chữ Dương, Mùi, ví dụ chữ Dực, Quân; nên tránh chữ có Hỏa vì Tý thuộc hành Thủy, Thủy Hỏa bất tương dung (xung khắc), ví dụ: Bính, Hùng; nên tránh các từ ngoằn ngoèo giống con rắn vì rắn ăn thịt chuột như: Đạt, Trịnh, Cường, Trương.
Theo quan niệm của thuật phong thủy, những người sinh vào năm Tí nên chọn những chữ có bộ “miên-mái nhà” “thảo-cỏ” và bộ “mễ-thóc”, “vương vua”, “quân-vua” (nếu chuột ở trong nhà, trong bụi cỏ cây thì luôn có thóc gạo, được ở trong nhà, được ăn no, được che chở, chuột đứng đầu trong 12 con giáp nên kết hợp với chữ vương thì có khí chất làm quan) những chữ có bộ này có thể bảo vệ cho họ luôn được an lành.
Những chữ dưới đây phù hợp với thuyết thuộc tính con giáp và là những tên được cho là đẹp: Bảo, Vũ, An, Hồng, Hợp, Nguyệt, Thực, Vương, Vượng, Thương, Nhân, Vân, Giai, Vũ, Quân, Trọng, Doanh, Trạch, Tống, Anh, Uy, Vinh, Kiện, Xuyến, Vi, Liên, Ngọc, Toàn.
* Đặt tên con theo tuổi sửu: Trong quan niệm dân gian, trâu là động vật có nhiều tính tốt, thành thực, mộc mạc giản dị, tự tôn, tích cực, chịu thương chịu khó. Người tuổi sửu luôn cần được người khác yêu thương chăm sóc ân cần.
Trong quan niệm phong thủy, trâu luôn gần với nước, vì vậy khi sinh con vào năm sửu nên chọn những chữ có bộ “tâm-tim” và bộ “thủy-nước” (những chữ có bộ tâm thường được dùng để miêu tả trạng thái tâm lí, tình cảm của con người, những chữ có bộ thủy thường liên quan đến nước) những chữ này khiến người tuổi sửu sẽ luôn được quan tâm, cuộc sống hạnh phúc, gia đạo an lành.
Những chữ dưới đây phù hợp với phong thủy và mệnh lí của người tuổi sửu: Hằng Thanh, Hoài Tế, Nhuận Khang, Ngộ Nguyên, Hải Tình, Vị Khái, Du Đào, Man Khiết, Thế Duy, Dự Phi.
Đặt tên con theo tuổi dần: Hổ được cho là động vật cường tráng, dũng mãnh, độc lập tự chủ, đồng hời còn mang chút ngạo khí. Trong dân gian thường có những câu thành ngữ nói về Hổ như “nhất sơn bất dung nhị hổ-một ngọn núi không thể có hai con Hổ cùng sinh sống” hoặc “thâm sơn xuất mãnh hổ-mãnh hổ thường ở núi sâu hiểm trở”.
Vì vậy, khi nhắc đến người tuổi Hổ các thầy phong thủy khuyên nên chọn tên với chữ có bộ “sơn-núi”, là nơi Hổ được an toàn và có thể phát huy sức mạnh của mình.
Những người có con tuổi Hổ nên đặt tên con với những chữ sau: Cương, Lĩnh (lãnh), Tung, Nham, Ngụy, Ngạn, Kỳ, Huy, Phong, Tuấn, Chương.
* Đặt tên con theo tuổi mão: Mèo là động vật tượng trưng cho hiền lành, thông minh, hoạt bát hiếu động. Khi đặt tên cho con theo tuổi này nên với các từ: Bằng, Triều, Minh, Huy, Dụ, Nguyệt, Thắng…
* Đặt tên con theo tuổi thìn: Rồng trong quan niệm dân gian được coi là động vật tôn quý nhất trong các loài, có năng lượng siêu nhiên, đại diện cho tài phúc và quyền uy, chỉ những bậc vương giả thời xưa mới được sánh chung với rồng.
Rồng có thể phun nước làm mưa và sống ở long cung dưới biển, vì vậy sinh con vào năm rồng nên đặt tên con với những chữ có bộ “thủy-nước” như: Dương, Vượng, Giang, Chiều, Bình, Phi, Thế, Hồng, Hán, Thâm, Thanh, Uyên.
* Đặt tên con theo tuổi tị: Rắn thường thích ở những nơi lùm cây, bụi cỏ vì vậy khi sinh con tuổi tị nên đặt tên có bộ “thảo-cỏ” như: Yến, Phương, Chi, Gia, Tuyên, Vinh, Bảo, Doanh, Nhân, Hà, Thu, Lịch, Hoa, Hân.
* Đặt tên con theo tuổi ngọ: Ngựa được coi là động vật có tính cách khoáng đạt, ân tình, giỏi vượt qua khó khăn trở ngại, tiền đồ rộng mở. Ngựa thích ăn cỏ và ngũ cốc vì vậy khi sinh con vào năm ngọ nên đặt tên với các chữ có bộ “thảo-cỏ” hoặc “hòa” như: Anh, Chi, Vân, Huệ, Doanh, Thu, Giới, Vinh, Hòa, Lợi, Tú, Lí, Lê, Khoa, Mục.
* Đặt tên con theo tuổi mùi: Dê cũng được coi là động vậy nhẫn nại, hiền lương, ôn tồn, cỏ là căn mệnh của dê vì vậy, người tuổi dê nên đặt tên: Khoa, Thái, Liên, Anh, Chi, Hân
* Đặt tên con theo tuổi thân: người sinh vào năm thân có thể nói là rất hiếu động, thông minh, giàu sức sáng tạo. Khỉ thường thích chạy nhảy trên các cành cây, tìm hoa quả làm thức ăn, vì vậy đặt tên cho con cái tuổi thân nên có chữ “mộc” đứng cạnh, ví dụ: Phúc Lâm, Ôn Quyền, Vọng Khang, Thông Đào, Phong Linh, Chấn Vinh…
* Đặt tên con theo tuổi dậu: người tuổi dậu có ấn tượng tốt là nhiệt tình, hiếu khách, cuộc sống có quy luật. Gà thích ăn đậu, thóc vì vậy khi đặt tên những thứ này cũng không thể thiếu được, ví dụ: Đăng, Túy, Cổ...
* Đặt tên con theo tuổi tuất: chó là động vật trung thành, có quan hệ tốt với con người hàng ngàn năm nay, vì vậy, khi đặt tên nên có chữ “nhân-người” đứng cạnh, ví dụ: Hoa, Nhân, Luân, Tuấn, Vĩ, Nhậm, Sĩ, Kiên…
* Đặt tên con theo tuổi hợi: người tuổi Hợi được xem là hiền hòa, thành thực, nhưng đôi lúc hay tự kỉ, người tuổi hợi khi đặt tên nên có liên quan đến cây cỏ, đất đai, ví dụ: Phổ, Giai, Bội, Hồng, Khuê, Trang, Tăng…
Nghĩa và hình của từ
Khi đặt tên cho con, cha mẹ thường gửi gắm những hi vọng và mong muốn tốt đẹp cho con sau này. Trong một cái tên thường thì chỉ có ba chữ, khi đã đặt tên xong thì việc thay đổi tên họ gần như đã được ấn định và theo người đó đến suốt đời.
Trong ba chữ đó, họ thì không thể thay đổi, chỉ còn lại tên đệm và tên, vì vậy, cha mẹ muốn biểu đạt những mong muốn và hi vọng vào hai chữ còn lại quả là một điều không hề dễ dàng.
Trước hết là phải chọn chữ có ý nghĩa tốt đẹp, khỏe mạnh, may mắn; sau đó khi ghép lại với nhau phải thành từ có ý nghĩa, phải có sự liên quan, phải may mắn; không được dung tục, thô lậu, không được cường điệu, phi lí; vừa có thể thể hiện được sự kì vọng vừa phải có ý nghĩa sâu sắc; nghĩa phải đẹp, âm phải sáng.
Tiếp theo, khi đặt tên phải tránh những cái quá đầy đặn hoặc những từ quá hẹp. Khi đặt tên phải xem xét đến ý và lực của chữ, không nên đặt tên con mang hơi hướng phương tây vì ảnh hưởng nền văn hóa lâu đời của chúng ta sẽ khiến cái tên đó khác biệt với những đứa trẻ khác, không phù hợp với giá trị quan của người Việt, sẽ gây khó khăn về mối quan hệ của đứa trẻ.
Hơn nữa, trong chữ có ý nghĩa nội hàm sâu sắc, tiếng tây chỉ thuần túy đề cập đến âm đọc, dễ gây cảm giác xa lạ, không thoải mái cho người đối diện, vì vậy sẽ ảnh hưởng vận khí và sự nghiệp sau này.
Không nên đặt những tên nghe quá kêu, quá to tát như: Vương Hữu Tài, Lý Phú Quý vì những tên này khi giao tiếp sẽ khiến chủ nhân cảm thấy tự ty với thân phận hiện tại không xứng với tên, bị người khác xem thường
Khi đặt tên con theo nghĩa có thể đặt những chữ có ý nghĩa: học thức uyên bác, trí lực siêu quần, sự nghiệp thành đạt, tài lộc phát triển, dung mạo đẹp đẽ, hạnh phúc mĩ mãn, mạnh khỏe trường thọ, thuận buồm xuôi gió, phẩm đức cao hạnh, ý chí kiên cường, hiền lành hiếu thuận.
Âm đọc
Khi đặt tên theo âm đọc đẹp, thuận tai sẽ khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, cảm giác hài hòa dễ gần. Đặt tên theo âm khi đọc nên dễ nhớ, thuận tai, sáng rõ.
Các thanh điệu, vần phải phối hợp với nhau: nên có các thanh điệu khác nhau kết hợp thành, kị ba chữ cùng thanh điệu. Nên tránh cả ba chữ đều có chữ cái đầu giống nhau, ví dụ: Trương Thanh Thái, Bùi Bảo Bình, Nguyễn Nguyệt Nga, những chữ có cùng chữ cái đầu gây cảm giác khó đọc. Tránh đặt các tên có cùng vần, như vậy sẽ khó đọc
Theo Âm dương
Trong lý số, số lẻ là số dương, số chẵn là số âm. Khi đặt tên phải phân bổ âm dương cho hợp lý, vì trong lí luận Dịch học, chỉ có âm không thì không phát, chỉ có dương không thì không lớn được. Nói nôm na rằng, giả dụ nếu chỉ có nam mà không có nữ hoặc chỉ có nữ mà không có nam thì không thể sinh sôi nảy nở, không thể duy trì nòi giống.
Cũng giống như vậy khi đặt tên các chữ đều thuộc dương hoặc đều thuộc âm thì không có lợi cho sự phát triển và vận mệnh. Vì vậy, khi đặt tên cần phải âm dương điều hòa. Nếu một tên có ba chữ thì sắp xếp “Dương Âm Âm”, “Âm Dương Dương” là đẹp nhất; sau đó là “Âm Dương Âm”, “Dương Âm Dương”; nếu tên có các chữ đều thuộc âm hoặc thuộc dương “Âm Âm Âm” hoặc “Dương Dương Dương” thì là hung.
Phối hợp giữa sinh khắc ngũ hành và bát tự
Trong thuyết “tính danh học” chủ yếu lấy 10 thiên can “giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý” làm cơ sở. Theo vị trí 1, 2 thuộc Mộc, 3, 4 thuộc Hỏa, 5-6 thuộc Thổ, 7-8 thuộc Kim, 9-10 thuộc Thủy. Trong đó, số lẻ là số dương, số chẵn là số âm. Theo đó mà chọn chữ có tính tương sinh tương khắc phù hợp, âm dương cho điều hòa.
Theo năm sinh của bố mẹ
Theo thuyết tương sinh, tương khắc, tương hợp, tương xung của 12 địa chi, khi đặt tên con nên tránh những từ khắc với cha mẹ. Ví dụ, cha mẹ có một người tuổi Ngọ-Ngựa thì trong tên của con không được xuất hiện từ có ghép với từ “Tý-Chuột” vì Tý khắc Ngọ.
Không đặt tên trùng với trưởng bối
Khi đặt tên, người xưa thường liệt kê tên của những vị trưởng bối để khi đặt tên con không trùng với cha mẹ, ông bà cụ kị, ý nghĩa là sự tôn trọng đối với tổ tiên. Nhưng cũng có những trường hợp đặt trùng tên là để ghi nhớ người trên, ví dụ: người cha tên Vương Đại Hải, đặt tên con là Vương Kính Hải, ý của từ này thể hiện sự kính trọng đối với người cha./.